RẮN BÁO OÁN - VỤ ÁN LỆ CHI VIÊN - NGUYỄN TRÃI - SỰ TÍCH VÀ TRUYỀN THUYẾT

 Rắn Báo Oán - Vụ Án Lệ Chi Viên NGUYỄN TRÃI 

Về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đã có nhiều bài viết, công trình làm sáng tỏ, nhất là vào dịp kỷ niệm 600 năm năm sinh của ông (1980).

 

 Về cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi cùng ba họ bước đầu cũng đã có người đề cập tới, chỉ ra nguyên nhân. Đó là sự tranh giành quyền lực của các phe phái trong triều ở đầu thời Lê, mà ông chỉ là nạn nhân.

 

 Tuy vậy, trong dân gian từ rất lâu vẫn còn lưu truyền truyền thuyết Rắn báo oán, là một cách lý giải huyền bí và có những chỗ bóp méo sự kiện ấy, do vô tình hoặc cố ý.

 

 Điều ấy cũng chẳng đến nỗi khó hiểu, khi áp lực của nền quân chủ chuyên chế quá nặng, đè xuống tâm lý của mọi tầng lớp xã hội, đến nỗi ngay cả những học giả uyên bác nhất (chẳng hạn, Lê Quí Đôn) cũng không cưỡng lại được, nên vẫn có những lời dị nghị, thậm chí chê cười những hành vi của Nguyễn Trãi dẫn đến thảm họa ấy.

 

 Chúng tôi sẽ trình bày truyền thuyết này theo cả hai quan điểm, với hy vọng có thể tránh được những sự hiểu lầm đáng tiếc.

 

 Ở làng Nhị Khê (thuộc huyện Thường Tín, Hà Tây ngày nay) xưa kia có một gò đất cây cối mọc um tùm gọi là gò Rùa. Cư ngụ ở đây có một đàn rắn mà con rắn mẹ tu luyện lâu ngày đã sắp thành tinh.

 

 Ngày ấy, người ông của Nguyễn Trãi từ làng Chi Ngại, Hải Dương lên đây mở trường dạy học. Ông là một nhà nho uyên bác, lại hết lòng dạy dỗ học trò, mặc dù ông chẳng đỗ đạt gì, bởi vì chưa một lần vác lều chõng vào trường thi.

 

 Ông có hai người con trai, một là Nguyễn Phi Khanh, cùng định cư ở làng Nhị Khê, và một người nữa, không rõ tên, sau về định cư ở làng Canh Hoạch thuộc huyện Thanh Oai (Hà Tây).

 

 Đoạn sau đây sẽ kể sơ qua về các đời sau của người con trai thứ hai ấy. Tuy phát tích có muộn hơn so với Nguyễn Phi Khanh nhưng không phải là không lừng lẫy.

 

 Ông cũng là một người đầy bồ chữ nhưng không gặp vận may, về sau gia cảnh sa xút phải làm nghề cày ruộng, tuy vậy vẫn chuẩn bị và nuôi hy vọng con cháu mình sẽ hiển đạt.

 

  Quả nhiên đến đời cháu ông là Nguyễn Bá Ký, đã đỗ Tiến sĩ. Con trai Nguyễn Bá Ký là Nguyễn Đức Lượng, đỗ Trạng nguyên. Con gái Nguyễn Bá Ký lấy Nguyễn Doãn Toại, sinh ra Nguyễn Thiếu, cùng đỗ Trạng nguyên. Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi tên và năm đỗ của hai vị Trạng nguyên này. Còn ở Canh Hoạch và các làng lân cận, dân chúng vẫn tự hào đây là vùng sinh ra "Trạng cậu Trạng cháu".

 

 Nguyễn Thiếu sinh ra Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn, lại là hai danh tướng thời Mạc Hậu Hợp. Đặc biệt Nguyễn Quyện, bố vợ của Mạc Mậu Hợp, đã từng lập nhiều chiến công hiển hách thời Mạc. Khi Trịnh Tùng phò Lê Anh tông từ Thanh Hoá tiến đánh Thăng Long, quân của Mạc Mậu Hợp thất bại, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đều bị bắt ( Nguyễn Quyện than: Trời để nhà Mạc mất, vì lòng người đã về với nhà Lê cả rồi! ...)

 

 Sau đó, theo lệnh Trịnh Tùng, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn đều bị giết, và bị tru di cả ba họ. Chỉ có một người con thứ của Nguyễn Miễn trốn khỏi được nhà giam, chạy vào vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mai danh ẩn tích. Đến đời thứ sáu thì sinh ra Nguyễn Nghiễm, đỗ Tiến sĩ. Nguyễn Nghiễm cũng còn là một danh tướng, đã làm đến chức Tể tướng. Con cả Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Khản cũng đỗ Tiến sĩ, nổi tiếng hào hoa phong nhã và ăn chơi ở đất kinh kỳ, lại có quan hệ tương giao với chúa Trịnh. Một người con thứ của Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Du, tác giả của truyện Kiều và nhiều áng thơ bất hủ. Nguyễn Du cũng như Nguyễn Trãi, đều là danh nhân văn hóa thế giới.

 

 Đoạn sau đây, sẽ trở lại câu chuyện về người ông của Nguyễn trãi.

 

 Ông thầy đồ thấy đám đất gò Rùa ở làng Nhị Khê ở vào một địa thế rất vượng. Phía trước có minh đường là một cái đầm nước lớn. Phía sau lưng có một dãy đất nhỏ thuôn như hình cái đuôi. Còn ở xung quanh, bốn phía như bốn cái chân. Phía trước lại có một mô đất nữa. Tất cả giống y một hình con rùa đang vươn tới.

 

 Ông đồ xin với dân làng cấp cho khu đất ấy để dựng nhà dạy học.

 

 Dân làng đồng ý. Thế là vào cuối một ngày, trước khi tan học, ông bảo các học trò sớm mai nghĩ học để đi san đất, phát cây, chuẩn bị dựng nhà.

 

 Đêm hôm ấy ông đồ nằm mộng, thấy một người đàn bà mặt mày sát khí đằng đằng đến bên giường sừng sộ:" Này ông. Tôi không gây thù chuốc oán gì, cớ sao ông lại cho người đến đập phá nhà phá cửa của tôi?". Nói xong người đàn bà đi thẳng.

 

 Ông đồ choàng tỉnh dậy. Ông lờ mờ hiểu rằng sáng mai cái việc mà các học trò sẽ làm là không nên. Nhưng ông lại nghĩ, nếu rút lời thì các học trò và dân làng trông vào sẽ có những lời bàn ra tán vào thật bất tiện, nên cứ để xem sao đã.

 

 Sáng hôm sau, khi ông chống gậy ra khu gò Rùa thì các học trò đã dọn quang được một vùng nhỏ. Ông hỏi: " Các con có thấy sự gì lạ không?". Các học trò đáp:" Thưa thầy, không thấy gì ạ". Ông lại bảo: "Nếu có gì thì báo ngay cho thầy biết". Ông đứng lại đến cuối buổi để xem các trò làm, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy điều gì lạ lùng cả. Trong thâm tâm ông nghĩ, nếu thấy ngôi mả hay dấu tích gì đó thiêng liêng thì sẽ để chừa chỗ ấy ra không đụng đến.

 

 Đêm hôm ấy khi ông vừa chợp mắt thì lại thấy người đàn bà hôm qua đến bên giường. Lần này mặt u mày chau, lại còn dắt theo cả ba đứa con nữa. Người ấy năn nỉ: "Xin thầy hãy đợi cho ba hôm nữa, các con tôi cứng cáp thêm, tôi sẽ dọn đi". " Được!" Ông đồ trả lời "Chúng tôi sẽ vui lòng đợi".

 

 Sáng sớm hôm sau ông cho người nhà đến báo anh trưởng tràng nói với các học trò hoãn việc làm nhà ba ngày nữa. Nhưng phần vị anh trưởng tràng chậm chạp, phần nữa, một số học trò lại quá ư sốt sắng, đi làm từ rất sớm. Mà học trò của ông đồ thì rất đông, chẳng những ở trong làng mà còn ở các làng xung quanh, nên không thể báo hết.

 

 Khi ông đồ và anh trưởng tràng ra tới nơi thì đã có vài học trò đang hì hục đánh gốc cây, đào móng nhà, san đất. Một trò chạy lại phía thầy:

 

 - Thưa thầy, vừa nãy chúng con đào thấy một cái hang rắn, trong có rắn mẹ và một đàn con. Rắn định cắn nên chúng con đã đánh chết ba con con, còn rắn mẹ bị chém đứt đuôi, cùng mấy con con nữa chạy mất ...

 

 Ông đồ tái mặt lại. Ông đã hiểu. Rồi ông buồn bã tự nhủ: "Người đàn bà đội lốt rắn đây. Thế là ta đã không cứu được họ rồi".

 

 Tối hôm ấy, ông đồ đang ngồi chong đèn đọc sách, chợt nghe phía trên có tiếng sột soạt. Ông ngẩn lên thấy có một con rắn lớn đang trườn theo mép đòn tay, đến chỗ thẳng xuống ông đặt quyển sách thì rắn chợt dừng lại, rồi lại trườn tiếp ra phía hồi nhà, đi mất. Ông nhìn vào trang sách để mở thấy có mọt giọt máu của con rắn vừa nhỏ xuống, đúng vào chữ đại, lại ngấm đến cả tờ thứ ba. Ông lắc đầu tự nhủ: "Chắc nó sẽ báo oán đến đời cháu chắt ta sau này mất". Ông buồn cho hậu thế của ông, và biếng ăn mất ngủ đến cả tháng trời ...

 

 Sau đó, ông đò già yếu rồi mất. Hàng chục năm bình an vô sự trôi qua. Lúc này nhà Trần đang ở vào thời kỳ mạt vận. Các tôn thất tranh giành nhau ngôi báu. Quan tư đồ Trần Nguyên Đán cũng rút lui khỏi chính trường. Nguyễn Phi Khanh lúc ấy là chàng trai trưởng thành, lại nổi tiếng hay chữ, đã lên Kinh đô rồi được vời vào dinh quan Tư đồ dạy học.

 

 Tại dinh quan Tư đồ, Nguyễn Phi Khanh đem lòng yêu con gái của Ngài là Trần Thị Thái rồi sinh ra Nguyễn Trãi. Đấy cũng là thời diểm nhà Trần mất nước về tay nhà Hồ. Gần hai chục năm sau, Nguyễn Phi Khanh, kẻ trước người sau, đều thi đỗ Thái học sĩ (như Tiến sĩ) rồi cùng ra làm quan cho nhà Hồ.

 

 Nhà Hồ giữ cũng chẳng được bao lâu thì nước ta mất về tay nhà Minh. Nguyễn phi Khanh cùng triều đình nhà Hồ bị bắt mang sang Nam Kinh. Nguyễn Trãi trốn thoát, mai danh ẩn tích, rồi sau đó cùng Trần Nguyên Hãn, cháu nội Trần Nguyên Đán tìm vào Thanh Hóa tham gia khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Ròng rã hàng chục năm, cuộc khởi nghĩa thắng lợi. Nguyễn Trãi lập được nhiều chiến công hiển hách mà sử sách đã ghi lại.

 

 Đoạn sau đây sẽ kể về thời điểm đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi đang làm quan với nhà Lê (ở thời kỳ đầu).

 

 Một hôm quan Hành khiển Nguyễn Trãi nhân thong thả, đang đi dạo chơi trong chợ ở Kinh thành. Cũng là một cách để xem dân chúng sinh sống và dân tình ra sao. Chợt đến cổng chợ ông thấy một người con gái mặt hoa da phấn, rõ là một giai nhân, đang đứng đọc tờ cáo thị, nhưng trên vai lại quẩy mấy đôi chiếu. Nghĩ đây cũng là sự lạ, nên ông dừng lại rồi ứng khẩu đọc một bài thơ:

 

Nàng ở đâu ta bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu đó hết hay còn?

Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, có mấy con?

 

 Chẳng ngờ, khi ông vừa đọc xong thì người con gái cũng ứng khẩu đọc luôn:

 

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon

Việc chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, nói chi con.

 

 Nguyễn Trãi là nhà thơ. Tâm hồn ông rất dễ xúc động. Vả chăng lúc ấy ông ngoài bốn mươi tuổi, độ tuổi đang còn cường tráng.

 

 Ông rất cảm kích và dừng lại hồi lâu nói chuyện với người con gái. Ông biết nàng tên là Nguyễn Thị Lộ, trước kia gia tư khá giả, cũng đã từng theo đuổi bút nghiên. Nhưng gia cảnh sa sút, cha mẹ, anh em, ly tán vì chiến tranh, nàng phải ở nhờ trong nhà một người quen, làm nghề dệt chiếu để nuôi thân.

 

 Mừng thầm vì bấy lâu mong ước, nay gặp được người ưng ý, ông bèn ngỏ lời mời nàng về dinh và nàng cũng vui vẻ chấp nhận.

 

 Về dinh, Nguyễn Thị Lộ trở thành cô hầu gái giúp ông giấy tờ, sổ sách. Dần dần, đường ăn nết ở, lại đàm luận nghĩa lý, văn chương, ông ngày càng cảm phục và đem lòng yêu mến nàng. Phần nàng cũng rất yêu mến, quý trọng ông. Thế là ông làm lễ cưới nàng làm vợ.

 

 Thời ấy việc chênh lệch tuổi tác như vậy không phải là điều bất ngờ, và viêïc một người đàn ông, nhất là vào hàng quan lại, có nhiều vợ, cũng là chuyện bình thường. Tuy vậy, tiếng đồn về quan Hành khiển có người thiếp xinh đẹp, lại giỏi văn thơ cũng lan truyền ra khắp kinh thành.

 

 Lê Thái Tông, con Thái Tổ Lê Lợi, đăng quang được vài năm thì nhân trong cung thiếu người đảm đương chức nữ học sĩ, đã xuống chiếu bổ dụng Nguyễn Thị Lộ vào chức vụ này.

 

 Vào trong vương phủ, Nguyễn Thị Lộ chẳng những dạy bảo cung nữ học hành đến nơi đến chốn mà còn được cả hoàng tộc nể vì, về tư chất, về cả tài năng. Nguyễn Thị Lộ, ngoài chức phận Nữ học sĩ, còn biết cả nhiều bài thuốc quý, và một lần đã chữa cho Hoàng thái hậu khỏi đau mắt.

 

 Nguyễn Thị Lộ vào vương phủ được vài năm thì Nguyễn Trãi nhận chiếu chỉ ra trông coi mấy hạt miền Đông Bắc. Vợ chồng tuy xa cách, nhớ nhung, nhưng lệnh nhà vua đã ban ra thì cũng đành ngậm ngùi phải chia tay, vì chức nữ học sĩ không thể theo chồng được.

 

 Rồi đến một hôm, Lê Thái Tông chuẩn bị xa giá tới miền Đông Bắc, vừa để thăm thú giang sơn, vừa để thị sát tình hình. Trong đám tùy tùng, ngoài các văn tài võ tướng và quân lính đông đảo, còn có rất nhiều cung nữ theo hầu. Nguyễn Thị Lộ là Nữ học sĩ, lẽ đương nhiên cũng phải có mặt, để bảo ban, cắt đặt cung nư.õ Nhân dịp này, nhà vua cũng muốn cho nàng về thăm đức ông chồng.

 

 Đến Lệ chi viên (vườn vải) thuộc vùng Kinh Bắc, nhà vua sai lập hành tại nghỉ ngơi. Đêm ấy nhà vua sau khi đi đường mệt nhọc, lại uống nhiều rượu, nen bị cảm mạo đột ngột rồi mất ngay trong màn trướng, không kịp chạy chữa. Nguyễn Thị Lộ cùng một vài cung nữ khác ở đấy, liền bị nghi cho là đã đầu độc nhà vua. Lập tức Nguyễn Thị Lộ bị bắt, bị giải về kinh. Cuộc xa giá tan.

 

 Chiếc ngai vàng tạm thời bỏ trống, lập tức gây ra tình trạng xâu xé. Hai bà hoàng, mẹ của Bang Cơ và Nghi Dân đều muốn chiếm, và đằng sau mỗi vị là một thế lực ủng hộ. Ai cũng biết Nguyễn Trãi là người chính trực, lại là một thế lực, không thể không đề phòng. Thời Lê Lợi, hai nhân vật Bắc hà kiệt xuất nhất là Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn thì một bị hành quyết, một phải tự tử, đều là do nhà vua phòng xa muốn tìm cớ diệt trừ, mặc dù vừa đồng cam cộng khổ với nhau chưa bao lâu. Nguyễn Trãi, một nhân vật Bắc Hà kiệt xuất nữa, lại đang có thế lực, lại là cháu ngoại nhà Trần, là anh em với Trần Nguyên Hãn, nên không thể không bị xem là "nguy hiểm".

 

 Còn một nguyên nhân trực tiếp nữa, cũng khá quan trọng. Đó là Nguyễn Trãi trước đây đã cưu mang bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao khỏi bị đòn ghen chết người của các bà chính thất vợ Lê Thái Tông. Bà này đã sinh ra Hoàng tử và đang ẩn nấp ở một nơi nào đó, nếu sau này liên hệ được với Nguyễn Trãi thì chắc chắn sẽ gây ra một cuộc đảo lộn.

 

 Đó là những nguyên nhân khiến cho việc Nguyễn Thị Lộ lúc đầu chỉ bị nghi vấn, sau đã mong chóng trở thành nguyên cớ hữu hiêu nhất để diệt trừ Nguyễn Trãi, bởi vì luật lệ từ trước đến nay đã ghi rõ: Kẻ nào ám hại hoặc có âm mưu ám hại nhà vua sẽ bị xử tội chết cả ba họ.

 

 Tuy xâu xé nhau, như sau này sẽ rõ, và Đại Việt Sử ký toàn thư cũng ghi lại sự kiện ấy, nhưng lúc này ở hai thế lực đều thống nhất với nhau ở một điểm: Phải tiêu diệt ngay Nguyễn Trãi. Thế là Nguyễn Thị Lộ bị mớm cung, bức cung (hoặc đánh đến chết rồi lập tờ cung giả thì cũng vậy) khai là Nguyễn Trãi xui khiến đã đầu độc nhà vua! Có quyền lực tuyệt đối, họ làm điều ấy chẳng khó khăn gì.

 

 Là đại thần, khi nghe tin nhà vua băng hà, Nguyễn Trãi đã trở về kinh để hôï tang, nhưng vừa đến cổng thành, chưa kịp xuống kiệu thì đã có lêïnh bắt. Rồi bị tống ngay vào ngục.

 

  Ngay sau lễ an táng nhà vua, "triều đình" đã họp để luận tội Nguyễn Trãi. Thế rồi, ngày 16 tháng 4 năm 1442 (tính theo dương lịch) Nguyễn Trãi và cả ba họ (bên nội, bên ngoại, bên vợ) đều bị hành hình. Thật là một ngày đẫm máu!

 

 

 

 Về sau vua Lê Thánh Tông, con bà Ngô Thị Ngọc Giao lên ngôi đã minh oan cho Nguyễn Trãi. Và Đại Việt Sử ký toàn thư cũng đã ghi lại sự kiện này.

 

 Truyền thuyết Rắn báo oán đã kể về giai đoạn từ khi đất nước thanh bình, Nguyễn Trãi làm quan với nhà Lê đến khi ông bị hành hình như sau:

 

 Khi Nguyễn Trãi đang làm quan tại Kinh đô thì cũng là lúc con rắn mẹ bị thương và ba con rắn con bị chết kia đã tu luyện thành tinh. Rắn hóa phép thành một người con gái tái sắc, xưng tên là Nguyễn Thị Lộ, giả vờ làm người bán chiếu, rồi gặp Nguyễn Trãi ở chợ, lại tìm cách quyến rũ ông để được vào dinh.

 

 Về dinh, người con gái ấy còn tìm cách chiều chuộng Nguyễn Trãi hết sức, rồi sau đó lấy ông làm chồng. Lại tìm cách khuyếch trương tài năng của mình dến nỗi cả kinh thành biết tiếng và khi nhà vua hay tin đã hạ chiếu bắt Nguyễn Trãi phải dâng người con gái ấy vào cung, cho sung vào chức Nữ học sĩ để được gần gũi bên cạnh.

 

 Khi Hoàng thái hậu đau mắt, Nguyễn Thị Lộ chỉ cần liếm vào chỗ mắt đau là tự nhiên khỏi bệnh, do lưỡi có nọc rắn, lấy độc trị độc.

 

 Ở Lệ chi viên, vua không phải bị cảm mạo mà là đau lưỡi, nên vời Nguyễn Thị Lộ vào chữa bằng cách thè lưỡi cho nàng liếm vào. Vua chết là do nhiễm phải nọc rắn!

 

 Hoặc giả, có truyền thuyết khác lại nói, ở Lệ chi viên, khi dâng rượu cho nhà vua, Nguyễn Thị Lộ đã nhả nọc rắn vào nên nhà vua bị trúng độc mà chết.

 

 Khi đao phủ đem Nguyễn Thị Lôï ra hành hình, nàng xin phép được ra sông tắm gội làn cuối, nhưng vừa xuống nước hiện nguyên hình là rắn, rồi bơi đi mất!

 

 Khi Lê Thánh tông minh oan cho Nguyễn Trãi, đã xuống chiếu chỉ cho đi tìm dòng dõi của ông xem có ai còn sống sót hay không, thì may thay, khi trước có một người vợ của ông ở miền Đông Bắc, khi hay tin dữ đã tìm cách trốn thoát. Bà này lúc ấy đã có mang, sau sinh ra Nguyễn Tạc Tổ, hiệu là Anh Vũ.

 

 Nguyễn Tạc Tổ được tập ấm rồi thăng dần lên chức chánh sứ, đi sứ sang Trung Hoa. Trên đường về, đi thuyền qua Động Đình hồ, chẳng may gặp trận gió xoáy làm lật thuyền, nên Nguyễn Tạc Tổ bị chết đuối.

 

  Tuy vậy truyền thuyết Rắn báo oán vẫn tiếp sang cả đời Nguyễn Tạc Tổ:

 

 Con rắn đã thành tinh thấy dòng dõi Nguyễn Trãi hãy còn nên vẫn tìm cách hãm hại. Khi thuyền sứ bộ qua Động Đình hồ thì thấy một con rắn lớn đuổi theo. Đuôi nó to như cái quạt, quẫy sóng dữ dội làm cho thuyền chồng chành cơ hồ như muốn chìm nghỉm. Mọi người sợ hãi tái xám mặt mày. Con rắn vượt lên ngang thuyền, réo tên Anh Vũ mà gào bắt. Biết là món nợ truyền kiếp hãy còn phải trả, Anh Vũ bèn bước lên mũi thyền, nói lớn: "Hỡi rắn thần! Hãy để ta lên đường làm tròn sứ mệnh. Xong việc nước, về đây ta sẽ nộp mình".

 

 Anh Vũ vừa nói xong, tự nhiên sóng êm gió lặng, con rắn biến mất.

 

 Mấy tháng sau, công việc đi sứ hoàn tất, đoàn thuyền sứ bộ nước ta lại về qua Động Đình hồ. Anh Vũ cũng đã chuẩn bị, nai nịt gọn gàng, tay cầm đoản kiếm. Khi rắn vừa xuất hiện gọi tên mình, thì ông nói lời vĩnh biêït mọi người, rồi phi thân nhảy ngay xuống nước. Ở trên thuyền mọi người thấy Anh Vũ cùng con rắn quây tròn lấy nhau trong một trận giáp chiến thật dữ dội. Những đường kiếm rẽ nước quay loang loáng bên cạnh cái đầu rắn đang thè lưỡi đỏ phun phì phì. Những cuộn bọt nổi lên, hết lớp này đến khác. Rồi bỗng đâu, máu nhuộm đỏ thắm cả người lẫn vật. Một lúc lâu sau, cả hai cùng chìm sâu xuống đấy hồ.

 

 Ông phó sứ là người chứng kiến cảnh tượng trên từ đàu chí cuối. Ông vô cùng cảm kích, vội tìm giấy mực viết ngay một tờ sớ gửi về, trình lại Hoàng đế nhà Minh.Cảm kích trước hành vi dũng cảm quên sinh của vị chánh sứ nước Việt, vua Minh đã xuống chiếu sắc phong Nguyễn Tạc Tổ tức Anh Vũ đời đời làm thần thành hoàng của cả vùng Động Đình hồ rộng lớn.

 

 Về Nguyễn Tạc Tổ, cũng có truyền thuyết nói ông không phải con của Nguyễn Trãi. Nguyên do như sau:

 

 Khi Nguyễn Thị Lộ xuống sông tắm, rồi hiện nguyên hình là rắn rồi bơi đi mất thì người lính gác, theo luật định phải chịu chết thay. Vì Nguyễn Thị Lộ là chính phạm nên người lính thế mạng bị hành quyết trước tiên. Sắp đến lượt Nguyễn Trãi thì người vợ chạy đến đòi chết theo chồng. Trước cảnh tượng thương tâm, Nguyễn Trãi lựa lời khuyên nhủ:"Thôi, nàng hãy coi đây là số mệnh , đừng nên quẫn chí làm gì. Hãy ngửa bàn tay cho ta ghi lại một chút dấu tích. Sau này con cháu được hiển quý thì hãy nhớ đến ta".

 

 Khi người đàn bà ngửa tay ra ông nhổ vào đấy miếng nước bọt, đoạn vươn đầu chịu chết. Chẳng ngờ, chỉ như thế mà vợ người lính có mang. Chín tháng mười ngày sau sinh hạ một con trai , đặt tên là Anh Vũ. Càng lớn lên, Anh Vũ càng khôi ngô tuấn tú, học hành tấn tới. Cảm thương vị đại thần oan khuất, người mẹ cho đổi họ con từ Phạm sang Nguyễn. Khi Anh Vũ hai mươi tuổi thì đúng lúc Nguyễn Trãi được minh oan, nhưng khi chiếu chỉ nhà vua ban xuống thì dòng dõi Nguyễn Trãi chẳng còn một ai, nên không có ai đứng ra chông mong nhà cửa, điền sản được trả lại. Bà mẹ Anh Vũ thấy thế dẫn con lên kinh , đánh trống đăng văn , được nhà vua cho vào hỏi chuyện . Bà kể lại lai lịch từ lúc vị đại thần sắp bị hành hình và mình có mang Anh Vũ ra sao. Lê Thánh Tông nhìn mặt Anh Vũ thấy giống Nguyễn Trãi, lại nhìn vào tay bà mẹ có hình bãi nước bọt đọng lại. Nhà vua trầm ngâm một lúc lâu rồi phán: "Phải. Đây chính là hậu duệ của bậc công thần". Tiếp đó, Ngài hạ chiếu cho Anh Vũ được tập ấm và nhận lại gia tư điền sản của vị đại thần quá cố.

 

 Hiện nay trên đất nước ta, chưa thấy có công trình nào nguyên cứu về nguồn gốc, đặc điểm của các dòng họ, chí ít là các dòng họ tiêu biểu.

 

 Tuy vậy, căn cứ vào các hiệân tượng có thể quan sát được, ta cũng có thể biết được một vài đặc điểm ...

 

 Dòng họ Nguyễn của Nguyễn Trãi ở đây là một ví dụ. Nếu tính từ đời ông nội của Nguyễn Trãi trở đi, thì dòng họ này đã sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất, làm vẻ vang cho đất nước. Hai vị là Danh nhân văn hóa thế giới (do thời bây giờ suy tôn). Còn trước kia, đã có hai Trạng nguyên và nhiều Tiến sĩ. Tể tướng, thượng thư, hoàng hậu, danh tướng ... cũng đều có cả. Thật là một dòng họ hiếm có mà nếu trừ dòng họ vua chúa, có lẽ chưa có dòng họ nào trong nước sánh kịp. Thế nhưng, nếu tính về tai họa mà dòng họ này phải chịu, thì cũng thật khủng khiếp: Cả hai ngành nội ngoại đều bị tội tru di!

 

 Chẳng lẽ Rắn báo oán lại khốc liệt đến như thế kia ư?

 

 Hay còn do những nguyên nhân nào khác, mà một người trong dòng họ, Nguyễn Du đã phải than thở:

 

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen

Do trời đất hay do lòng người?

 

 Dẫu sao thì đấy vẫn còn là một điều bí mật, và có lẽ cũng nên được khai phá ...
Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới