CHUYÊN ĐỀ MUỐI - KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH

 


CHUYÊN ĐỀ MUỐI

KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH


Kính thưa quý du khách, hiện chúng ta đang đi trong địa phận của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh Bình Thuận với đường bờ biển dài khoảng 192km tạo nên một ngư trường đánh bắt rộng lớn thứ hai cả nước. Biển đã đem đến cho vùng đất này những sản vật như mực, tôm, cá, sò điệp v.v… rồi qua bàn tay chế biến của con người trở thành những đặc sản của vùng đất này như: mực một nắng, nước mắm Phan Thiết, v.v… Ngoài những đặc sản kể trên, từ nước biển người ta cũng làm ra được một nguyên liệu không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày, đó chính là muối ăn. Tại Phan Thiết, muối được làm nhiều tại khu vực Bắc Bình và Tuy Phong mà nổi tiếng là muối Vĩnh Hảo.

Muối ăn có công thức hóa học là NaCl, tan vô hạn trong nước, có vị mặn. Muối ăn là một gia vị trong các bữa ăn để cho các món ăn thêm đậm đà và muối có vai trò quan trọng đối với cơ thể, các ion Na+ và Cl- có vai trò là các chất điện giải để cân bằng nước cho cơ thể, điều hòa huyết áp, kiểm soát khối lượng máu,  v.v... Thiếu chất điện giải cơ thể sẽ mệt mỏi, lo sợ, run tay, nặng có thể co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong. Thiếu hụt chất điện giải thường do vận động mạnh, thời tiết nắng nóng, hoặc do bệnh tật như sốt, tiêu chảy, chất điện giải có thể được bù đắp bằng nước muối đường, nước chanh muối, nước dừa, dung dịch oresol hay còn gọi là nước biển khô… Còn nếu cơ thể thừa muối có thể bị cao huyết áp nên người đã có tiền sữ bệnh tim mạch không được ăn nhiều muối.

Muối ăn được sản xuất chủ yếu bằng cách cho bốc hơi nước biển dưới ánh nắng để thu được các tinh thể muối ăn, hay còn được gọi là muối hột. Sau đó, người ta sẽ đem vào nhà máy để hầm muối để thu được muối bọt mà chúng ta dùng thường ngày. Trong quá trình hầm muối, người ta sẽ cho thêm các phụ gia như: chất chống đông để muối không bị vón cục, iod để bổ sung iod cho người dùng nhằm hạn chế bệnh bướu cổ do thiếu iod… Để làm ruộng muối, người ta phải cày lên như cày ruộng lúa, sau đó người ta dẫn nước biển vào và dầm chặt đất lại. Trong lúc dẫn nước biển vào sẽ có những sinh vật vào theo như cua, cá, người ta phải bắt tất cả ra dựa vào các lỗ khí sau khi đã dầm lần một, sau đó họ sẽ dầm một lần nước cho thật chặt để nước không thấm xuống đất. Sau đó, người ta dẫn nước biển vào và nhờ vào sức nóng của mặt trời để bốc hơi nước đi, còn lại các tinh thể muối. Để làm muối cần sức nóng của mặt trời nên những vùng khô hạn, ít mưa, người ta mới chọn làm muối và một phần do những vùng đất đó khó trồng trọt. Những người làm muối được gọi là diêm dân, khi làm muối những tinh thể muối phản chiếu ánh nắng mặt trời rất có hại cho mắt có thể dẫn đến bị lòa hoặc toét mắt nên những người làm muối phải che kín mặt để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến mắt.

Chúng ta có thể thu được muối ăn từ nước biển là do dưới đáy biển sâu có một cối xay liên tục xay ra muối suốt ngày đêm nên nước biển mới có vị mặn và chúng ta có thể thu được muối từ nước biển như thế. Về nguyên nhân có một cối xay liên tục xay ra muối dưới đáy biển sâu như thế là do thưở xưa có một nhà nọ có hai người con trai, cha mẹ mất sớm. Người anh cùng với bà chị dâu đã giành hết tài sản do cha mẹ để lại. Người em chỉ còn một túp lều tranh nhưng người em vẫn không phàn nàn gì. Một hôm, đến ngày giỗ cha nhưng người em lại không có gì để cúng cha nên đành đến nhà người anh để xin một ít đồ cúng giỗ cha. Người anh khi thấy người em đến thì sợ người em xin xỏ nên sai gia nhân trong nhà đuổi đi. Người em buồn bã quay về, khi đến giữa đường thì thấy một cụ già bị tảng đá đè, người em giúp cụ già thoát ra khỏi tảng đá. Sau khi thoát ra khỏi tảng đá, cụ già nhờ người em tìm giúp cụ già một cái gì đó để ăn, người em vào rừng bẫy một con thỏ nướng cho cụ già ăn, cụ già muốn uống nước thì người em xuống suối lấy nước cho cụ uống, cụ già muốn mátxa thì người em mátxa cho cụ. Cụ già thấy người em hiền lành, tốt bụng, cụ già cho người em một cái cối xay mà muốn thứ gì thì cứ đọc thần chú cối sẽ xay ra thứ ấy, khi đã đủ rồi thì đọc thần chú cho cối xay dừng lại. Về đến nhà, người em liền xin mâm cơm để cúng giỗ cha. Với tính cách thương người, người em giúp đỡ những người nghèo trong vùng. Tiếng lành đồn xa nhưng lại đến tai của người anh và chị dâu, hai người lập mưu cướp cối xay của người em rồi lên thuyền đi sang vùng đất khác. Hai người cho rằng với cối xay này thì có thể tạo dựng cơ nghiệp gấp mấy chục lần hiện tại. khi trên thuyền, hai người thấy đoàn thuyền đi ngược lại, hai người hỏi thăm thì được biết là ở phía bờ bên kia thiếu muối nên họ phải đi tìm mua muối. Hai người ở trên thuyền cho xay muối để khi đến bờ bên kia sẽ bán kiếm tiền, nhưng đã nhìn thấy đất liền kia rồi sao thuyền đi mãi không tới. Nguyên nhân là do muối xay ra nhiều quá làm thuyền bị khẳm nhưng hai người lại không biết thần chú dừng cối xay lại. Thuyền bị chìm và hai người cùng cối xay rơi xuống biển, cối xay vẫn tiếp tục xay mãi xay mãi dưới đáy biển sâu. Còn người em sau khi thừa hưởng tài sản của người anh, người em đã đi vào rừng tìm cụ già, tiếp tục mátxa cho cụ và được cụ cho một cối xay mới có công tắc on/off khỏi phải đọc thần chú.

Muối ăn là gia vị được sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. Ngoài việc nêm nếm cho các món ăn có vị mặn, các món ngọt như chè, nước mía cũng có sự xuất hiện của muối để làm bớt vị ngọt gắt và trở nên đậm đà hơn. Ăn trái cây có vị chua như cóc, ỏi, xoài, mận, v.v… phải có một chén muối ớt đâm thiệt cay mà khi chấm một miếng cóc vào, cắn một cái phải hít hà. Ăn một dĩa gà xé phai mà thiếu một dĩa muối tiêu chanh thì không thể thưởng thức hết vị ngon của món gà xé phai. Muối còn được dùng để bảo quản thực phẩm, làm ra các món như cà muối, dưa muối, thịt muối v.v… và muối còn được dùng để làm nước mắm. Ngoài việc dùng muối trong thực phẩm, muối còn được dùng nhiều trong công nghiệp, muối được dùng để sản xuất xà phòng, hidro, clo, natri, chất tẩy rửa v.v… Khi thu hoạch muối xong, phía dưới người ta còn thu được chất chống đông dùng trong sản xuất ximăng.

Tổ nghề làm muối ở Việt Nam: đời vua Trần Anh Tông, ở trang Quang Lang nay thuộc huyện Thái thụy, Thái Bình, có hai vợ chồng ông nguyễn Hiền chuyên làm nghề muối. Ông có người con gái tên là Nguyệt Ánh, tương truyền khi cô đi đến đâu vào những hôm trời nắng, trên đầu bao giờ cũng có một đám mây che nắng cho cô. Những ruộng muối nào được cô có dịp đi qua đều thu hoạch rất tốt: muối trắng như bông, độ mặn rất cao. Điều lạ nữa là những thuyền muối nào được cô đến gần đều bán rất đắt khách. Nguyệt Ánh thường đi theo bố mẹ chở thuyền muối ra bán ở kinh đô Thăng Long. Vua Trần nghe tin đồn về nàng, sai người đưa nàng về cung, lập làm cung phi. Ở trong cung không được bao lâu, Nguyệt Ánh nhớ quê hương và nhớ ruộng muối. Nàng xin vua cho về quê, về làng Nguyệt Ánh tiếp tục nghề làm muối, buôn muối của gia đình. Nàng chỉ dẫn dân làng tận tình cách làm muối, sản xuất muối của làng và nhất là của gia đình ngày một nhiều hơn, việc buôn bán cũng phát đạt hẳn lên. Khi nàng mất, vua thương xót, cho người xây mộ và lập đền thờ. Người dân trong vùng rất tôn kính nàng và gọi nàng là bà chúa muối. Hàng năm, người dân ở trang Quang Lang, Thái Bình làm lễ cúng tế và mở hội, gọi là hội bà chúa muối vào ngày 14/4 AL.

Ngoài cách làm muối từ nước biển, muối có thể được khai thác từ các mỏ muối, các mỏ muối được hình thành do sự bốc hơi của các hồ nước mặn – được hình thành do quá trình biển bị đẩy lùi ra xa do sự kiến tạo địa chất từ hàng triệu năm trước. Nồng độ muối trong nước biển mỗi nơi mỗi khác, trung bình là 3,5% tương đương 35g muối / 1 lít nước biển. Tuỳ vào điều kiện từng nơi mà nước biển nhạt mặn khác khác nhau, nơi có nhiều dòng sông đổ vào thì nước biển sẽ nhạt hơn, nơi không có dòng sông nào đổ vào, khí hậu khô hạn, nước biển không lưu thông thì nước biển sẽ mặn hơn. Nước biển mặn nhất là ở biển Chết nằm giữa Israel và Jordan, nồng độ mặn 34%, nơi đây người ta sẽ không bao giờ chết chìm do sức nổi tại đây lớn, người ta có thể vừa thả mình trên biển vừa đọc báo...

Muối còn được xuất hiện trong ca dao, tục ngữ Việt Nam như:

Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đàng xa

Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.

Tay nâng dĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Cá không ăn muối cá ươn,

Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.

Cá không ăn muối cá sình

Cha mẹ cãi mình, cha mẹ cũng hư.

Nguyễn Minh Quân

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới