TRƯỜNG TÂN NHỊ VỊ TƯỚNG QUÂN LÊ THẠCH, HÀ ANH - SỰ TÍCH VÀ TRUYỀN THUYẾT

ảnh sưu tầm

TRƯỜNG TÂN NHỊ VỊ TƯỚNG QUÂN LÊ THẠCH, HÀ ANH

Hai vị tướng quân, một là Lê Thạch, tự Phúc Sơn, Một là Hà Anh, tự Quang Hoa, đều người ở La Sơn, Diễn Châu, nay thuộc Đức Thọ, Hà Tĩnh. Trong khoảng niên hiệu Thiệu Hưng đời Trần Nhân Tông, hai vị theo phò Thái tử có công lao, được phong là Chánh, Phó Thị đô lang tướng.
 
 Thời ấy, sau khi nhà Nguyên đánh xong nhà Tống, vua Nguyên sai sứ là Ngột lương sang nước ta, truy hỏi địa giới cũ theo cột đồng Mã Viện. bất đắt dĩ vua Trần Nhân Tông phải cho quan Hàn Lâm hiệu thảo Lê Kính Phu đi cùng với Ngột Lương để tìm. Nhưng nhà vua lại sai hai tướng Lê Thạch, Hà Anh dẫn hơn hai ngàn quân cấm vệ gươm giáo chỉnh tề, đi theo hộ tống.
 
 Thừa rõ âm mưu của nhà Nguyên muốn xâm lược nước ta, cho sứ gia sang chẳng qua chỉ để do thám và nắn gân trước, nên vua Trần Nhân Tông và triều đình đã lo kế hoạch đối phó. Một mặt nhà vua ra chỉ dụ cho Lê Kính Phu mềm mỏng thu xếp với Ngột Lương nhưng nhất thiết không dẫn y tới chỗ tương truyền là cột đồng. Mặt khác nhà vua cũng dặn Lê Thạch, Hà Anh sẵn sàng hành động để gây thanh thế.
 
 Lê Kính Phu dẫn Ngột Lương đến vài nơi rồi cho người đào bới mà chẳng tìm thấy gì. Ngột Lương có ý nghi ngờ, rồi bực tức lên giọng hạch sách. Lê Kính Phu vẫn nhã nhặn. Được thể, Ngột Lương bắt phải tìm bằng được cột đồng. Lê Kính Phu lại dẫn y đến vài chỗ vu vơ khác. Cuối cùng, hơn một tháng sau, chẳng có tăm hơi, Ngột Lương vô cùng tức giận, không cho Lê Kính Phu và những người đi theo ra về, vẫn phải bắt tìm cột đồng cho bằng được ...
 
 Lê Kính Phu bàn với hai vị tướng:"Tên sứ giả này quá quắt lắm, liệu hai ông có kế sách gì không?"
 
 Lê Thạch nói: "Kế sách là ở như ngài, chúng tôi con nhà võ, chỉ biết có đánh thôi"
 
 Hà Anh tiếp thêm: "Chúng tôi nay thân đã ở biên giới, giống như mũi tên đã lắp sẵn trên dây cung, chỉ tách cái là xong. Xin Ngài cũng chớ nên ngại. Chúng ta quyết chẳng thể làm nhục mệnh vua được".
 
 Lê Kính Phu hiểu ý, hôm sau nói thẳng với Ngột Lương:
 
 - Xin Ngài hiểu cho, xưa kia Mã Viện đến Phương Nam, chỉ thấy sử sách tương truyền là có dựng trụ đồng, nhưng chẳng ghi rõ là dựng ở đâu. Vả lại, nếu có dựng thì đã ngoại ngàn năm, dẫu là cột đồng thì cũng đã hư hại, mục nát rồi, làm sao bây giờ có thể tìm thấy được?"
 
 Ngột Lương tức quá, định văng ra lời quát nạt, nhưng thấy Lê Thạch, Hà Anh xắn tay áo, lại trợn mắt nhìn trừng trừng, nên y cứng họng lại.
 
 Rồi giả đò nói mấy câu mềm mỏng lấy lòng, y lảng sang chuyện khác. Ngay ngày hôm sau, y lập tức đánh bài chuồn ...
 
 Ngột Lương hồi cung Nguyên, đem các chuyện về tâu lại với nhà vua của y. Vua Nguyên cho rằng Đại Việt khó nuốt, vậy hãy chiếm lấy Chiêm Thành trước. Chiêm Thành ở phía trong, nếu đánh được, thì về sau đánh Đại Việt cũng chẳng khó gì.
 
 Vua Nguyên sai Toa Đô, Ô Mã Nhi, Trương Hổ đem mười vạn quân thủy, từ Hải Nam tiến thẳng vào Kinh đô Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành đầu hàng, nhưng khi đại quân Nguyên rút đi, vua Chiêm cho quan quân đánh trả lại bọn quân Nguyên ở lại chiếm đóng.
 
 Vua Nguyên giận lắm, sai bọn tướng cũ tiếp tục đi đánh Chiếm Thành lần thứ hai. Ngột Lương nhân đó trình bày cách thừa cơ chiếm lấy Đại Việt bằng việc mượn đường sang đánh Chiêm Thành. Vua Nguyên nghe theo, lập tức cho sứ giả lên đường để thực hành kế đó. Mặt khác, vua Ngyên cũng cho đại quân tiến vào, áp sát ngay ở biên giới Đại Việt.
 
 Thấy sứ giả đến mượn đường, vua Trần Nhân Tông cho vời các đình thần lại họp bàn. Người đồng ý cho mượn, người thì không, vua Trần cũng băn khoăn chưa quyết. Mấy ngày sau, chợt có quân canh phòng biên giới cấp báo quân Nguyên đã tới nơi, vua Trần lo lắng, bảo với tả hữu: "Quân Nguyên thế mạnh, ta phải làm gì bây giờ?". Mọi người lại họp bàn nhưng hồi lâu vẫn chưa ngã ngũ, và trong số đó, đã có vài người tỏ ý lo sợ. Lê Thạch thấy thế bước ra:
 
 - Muôn tâu bê hạ. Quân Nguyên ngang ngược, cái ý xâm lược thực đã rõ ràng, còn mượn đường chỉ là cái cớ. Thần dẫu bất tài, cũng xin đem một đạo quân đến giữ chỗ hiểm yếu ở ải Trấn Nam, quyết chém bằng được đầu tướng Nguyên để đền đáp ơn sâu của bệ hạ.
 
 Hà Anh cũng bước ra nói tiếp:
 
 - Thần cũng xin mang quân đi giết giặc với Lê tướng quân, xin Bệ hạ chuẩn y cho.
 
 Vua Trần Nhân Tông cả mừng, phong Lê Thạch làm Uy linh thượng tướng quân, thống lĩnh bốn mươi quân doanh, đến đóng ở cửa Hải Ải, phong Hà Anh làm Đông lãm đại tướng quân, cũng thống lĩnh bốn mươi quân doanh, đến cửa Cao Lâu đóng giữ.
 
 Hai vị tướng dẫn quân rầm rộ tiến lênh phía Bắc, đi về phía Kháo Sơn. Nhưng khi vừa đến châu An Bát thì đã gặp ngay quân Nguyên đang tiến vào. Hai vị tướng lập tức dàn quân, bày thế trtận giao chiến. Lê Thạch cầm ngang cây đại lao, phóng ngựa phi lên trước. Hà Anh duỗi cây bát đồng mâu, quất ngựa tiến theo sau. Phía bên kia, tướng Nguyên Triệu Tộ cũng cầm vũ khí cưỡi ngựa xông ra.
 
 Triệu Tộ đánh nhau với Lê Thạch nhưng sức địch không nổi, phải quay ngựa bỏ chạy. Lê Thạch đuổi theo sát phía sau. Hà Anh vòng ngựa sang bên trái chặn đường. Triệu Tộ trở tay không kịp, bị Hà Anh dùng bát đồng mâu đâm chết. Tỳ tướng của Triệu Tộ là Giải Ninh cũng bị quân ta giết luôn.
 
  Trong trận mờ màn này ba nghìn quân giặc bị giết, phó tướng của Triệu Tộ cùng hơn năm chục tên khác bị bắt. Lê Thạch, Hà Anh sai người dẫn đám tù binh về Kinh đô báo tin thắng trận.
 
 Sau đó, hai vị tướng tiếp tục dẫn quân tiến lên, gặp quân Nguyên ở Thuận Châu, rồi ở Phai Phụ. Cà hai trận này quân Nguyên đều thất bại. Tướng thống lĩnh Toa Đô tức giận nhưng không làm gì được, phải chuyển đại quân sang đường biển, tiến vào đánh các châu Gia Lâm, Đông Ngàn, Vũ Ninh rồi áp sát Kinh đô .
 
 Vua Trần cùng triều đình rút về Ứng Phong, phong Trần Quốc Tuấn làm Hưng Đạo đại vương, thống lĩnh tất cả binh mã trong nước chống giặc. Trần Quốc Tuấn viết lời hịch truyền đi khắp nơi, động viên cổ vũ tinh thần tướng sĩ ...
 
 Hai vị tướng Lê Thạch, Hà Anh sau ba trận làm cho quân Nguyên thua liểng xiểng, đã hạ trại lập đại bản doanh để chuẩn bị những trận chiến đấu tiếp theo. Nhưng chờ mãi, không thấy quân Nguyên tới. Sau lại hay tin quân Nguyên đã theo hướng khác tiến vào Kinh thành. Hai vị bàn nhau rút quân trở về để cùng đại quân của Trần Quốc Tuấn chống giặc.
 
 Nào ngờ, khi hai vị cùng quân lính đi vào địa giới Phượng Nhân thì bị phục binh của quân Nguyên.
 
 Từ bốn phía tên bắn ra ào ào. Hàng ngũ quân ta rối loạn. Rồi từ nhửng ổ mai phục, quân Nguyên ồ ạt xong ra. hai vị tướng cùng quân sĩ chiến đấu quyết tử với giặc, suốt từ sáng đến trưa vẫn không nao núng, mặc dù số thương vong cũng đã khá nhiều. Lê Thạch cười nói với Hà Anh: "Người xưa đã nói tráng sĩ ra trận không chết thì cũng bị thương.Nay hai chúng ta gặp ngày chết rồi, nhưng dẫu sau cũng phải cho quân Nguyên biết thế nào là hào khí Đại Việt chứ?"
 
 Thế là hai vị lại tiếp tục chiến đấu từ giữa trưa đến tận chiều tối, và đến lúc ấy cả hai đều đã kiệt sức. Tướng Nguyên lừa thế, dùng dây kéo ngã chân ngựa, rồi xông vào bắt cả hai người.
 
 Kế phục binh này là của Toa Đô. Y biết rằng đường dàn trận đánh nhau thì sẽ không hạ nổi hai vị tướng Đại Việt. Lại biết hai vị nhất định sẽ quay về cứu viện Kinh đô, nên y đã sai Trương Hằng đặt binh giăng bẫy trước.
 
 Trương Hằng dẫn hai tướng Lê Thạch, Hà Anh bị bắt đến ra mắt Toa Đô, lúc ấy đang đóng bản doanh ở mé sông Việt Đức. Toa Đô bước đến tận nơi để nhận mặt, và khi ngắm kỷ dung mạo của cả hai người, y lẩm bẩm "Thật danh bất hư truyền", rồi sai lính cởi trói, và mời hai vị dùng cơm rượu.
 
 Lê Thạch, Hà Anh hất tay lính ra, lớn tiếng mắng nhiếc bọn tướng Nguyên là đồ cướp nước, lại còn bảo chúng rằng tướng Đại Việt thà chết chứ không thèm ăn thứ của phi nghĩa ấy ...
 
 Kế hoạch dụ hàng của Toa Đô thất bại. Y tức giận, sai lính dẫn hai vị ra bờ sông chém, rồi vứt xác xuống sông.
 
 Xác của hai vị theo dòng sông trôi xuôi đến bãi cát ở bến Trường Tần thì quay vòng mà không đi nữa. Đêm ấy, dân trong làng nghe thâý ở bến sông nhiều tiếng chim kêu buồn thảm, như là có oan hồn hiện về. Sáng ra, mọi người thấy đầu và thân thể của hai vị tướng nổi lập lờ trên mặt nước. Tuy chưa thâý mặt của hai vị bao giờ, nhưng nhìn vào trang phục, diện mạo, dân chúng đều biết rõ là người của phía bên mình.
 
  Mọi người bảo nhau xúm vào vớt thi thể của hai vị lên, rồi xếp đầu vào thân thể đúng theo vết chém cho khỏi lẫn. Sau đó, lấy gỗ đóng quan tài, rồi đem mai táng rất là trọng thể.
 
 Đến khi dẹp xong giặc Nguyên, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu ban thưởng cho những người có công với nước. Khi nghe tấu trình về hành trạng và công lao của hai vị tướng Lê Thạch, Hà Anh, nhà vua vừa thương xót vừa vô cùng cảm kích, bèn truy phong Lê Thạch là Chính trực đại vương và Hà Anh là Cương đoán đại vương. Lại xuống chiếu ban thưởng cho dân làng Trường Tân (xã An Tân huyện Gia Phúc) tiền bạc để lập đền miếu thờ cúng vong linh của hai vị tướng, cùng ruộng tự điền để dùng vào việc tế lễ.
 
 Đến năm Trùng Hưng thứ tư, tặng thêm cho Lê Thạch hai chữ "Diệu cảm", Hà Anh hai chữ "Hùng nghị". Năm Hưng Long thứ 21, lại tặng thêm Lê Thạch bốn chữ "Hiển ứng an dân", Hà Anh bốn chữ "Triệu cơ khai thủy".
 
 Hai vị được tôn là phúc thần của làng Trường Tân. Đến nay, đền miếu hãy còn uy nghi, hương khói quanh năm không lúc nào dứt.
 

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

1 Nhận xét

  1. Nặc danh06:51 2/12/22

    Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới