NGỌC PHƯỢNG CÔNG CHÚA - TRUYỀN THUYẾT VIỆT NAM - KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH



Ngọc Phượng Công Chúa

 Thời Hai Bà Trưng chuẩn bị khởi nghĩa, ở xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phú ngày nay, có hai ông bà Lê Hoàn và Nguyễn Thị Kim sinh được hai người con gái xinh đẹp, đặt tên Chàng và Chạ.
 
 Ả (tức là chị, tiếng Việt cổ) Chàng lớn lên bị quan lại nhà Hán bắt về làm tỳ thiếp, đã phẫn uất mà chết.
 
 Ông bà Lê Hoàn vừa thương con vừa căm thù quân xâm lược, ít lâu sau cũng đều mang bệnh và qua đời.
 
 Ả Chạ được ông cậu đem về nhà nuôi đến tuổi trưởng thành, lấy tên là Lê Ngọc Trinh. Lê Ngọc Trinh quyết chí trả thù quân đô hộ nhà Hán.
 
 Ngày đêm bà tập luyện võ nghệ và chiêu tập lực lượng. Chẳng bao lâu, nghĩa quân do bà chỉ huy đã đánh cho quân Hán những đòn thất điên bát đảo.
 
 Khi Hai Bà Trưng dựng nghiệp, bà đem quân về Mê Linh tụ nghĩa, rồi tham gia nhiều trận đánh triệt hạ thành trì quân giặc, giải phóng đất nước.
 
 Hai Bà Trưng xưng vương, bà đươc phong là "Ngọc Trinh công chúa, Đại tướng quân", rồi đưa quân bản bộ về vùng Vĩnh Tường làm ăn sinh sống.
 
 Khi quân Mã Viện kéo sang, bà lại cùng nghĩa quân lên đường tham gia chiến đấu. Hai Bà Trưng rút về Cẩm Khê thì bà rút về trại Đàm Luân. Tên phó tướng Lưu Long được Mã Viện giao nhiệm vụ bất ngờ bao vây trại này. Một trận chiến đấu vô cùng ác liệt đã diễn ra tại đây, suốt một ngày trời.
 
 Quân giặc đông, tuy bị chết nhiều nhưng chúng vẫn ồ ạt xông tới. Bà Ngọc Trinh múa kiếm, tả xung hữu đột giữa trận tiền. Khi kiếm gãy, bà vứt xuống đất, rồi dùng ngay thiết lĩnh để giết giặc. Thiết lĩnh là tấm vải một đầu có buộc đá, còn đầu kia quấn vào tay, cứ thế vung ra thành những vòng tròn, đi tới đâu quân giặc dạt ra tới đó, thật vô vùng lợi hại.
 
 Tên tướng giặc thấy vậy tức giận, cứ thúc quân lính xông bừa vào. Những chiếc sọ giặc vỡ bôm bốp, óc lẫn máu phọt ra lênh láng, và tấm dây vải cuối cùng cũng bị đứt, hòn đá văng ra xa. Bà Ngọc Trinh phi ngựa về phía đầm sen trong trại, rồi cứ thế lao thẳng xuống vực, không chịu để rơi vào tay giặc.
 
 Tấm vải mà bà vứt lại là thuộc địa phận làng Hòa Lan, còn hòn đá thì văng ra địa phận Lũng Ngoại.
 
 Để tưởng nhớ công lao của bà tướng dũng cảm đã bỏ mình vì nước, mọi người hai làng Hòa Lan và Lũng Ngoại thuộc xã Lũng Hòa đã lập đền thờ và tôn bà là Thần Thành Hoàng.
 
 Hàng năm mở hội làng, ở Hòa Lan có trò chơi kéo co, còn ở Lũng Ngoại có trò chơi hú đáo.
 
 Kéo co là trai gái trong làng chia làm hai bên cùng kéo một sợi dây ong, bên nào kéo sang được phía mình là thắng. Còn hú đáo là lấy đá ném vào một chiếc cọc nhỏ chôn cách khoảng mười bước chẩn rộng, hễ cứ ném trúng là được.
 
 Những trò chơi rất bình thường và dân giã ấy chính là để tưởng nhớ chiến công của vị anh hùng từ thuở xa xưa.
 
 Lại có thuyết nói: Khi gươm gãy, bà Ngọc Trinh không vứt xuống đất mà đã cởi yếm ra, buộc phần kiếm còn lại vào một đầu, rồi cầm đầu kia vung ra bốn phía giết giặc. "Yếm" thuở ấy là một tấm vải quấn quanh ngực, và như vậy, ngay lập tức đã trở thành một vũ khí lợi hại.
 
 Sắc thượng phong của triều Lê, do kiêng tên của một vị công chúa tại triều là Lê Thị Ngọc Trinh, nên đã đổi tên bà thành "Ngọc Phượng công chúa".
 
 Rõ là một việc làm tùy tiện của vua chúa khi đã nắm quyền hành tuyệt đối!
Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới