NGÔI NHÀ THỜ BỊ BỎ HOANG Ở SÂN BAY CAM RANH

 


Nhiều lần đi ngang cửa ngỏ đi vào vùng 4 Hải Quân, chuẩn bị qua cầu Long Hồ, du khách thường hay hỏi tôi nhà thờ này là nhà thờ gì,câu trả lời sơ sài không làm thỏa trí tò mò của các vị khách. Sau nhiều lần tìm hiểu thì mới biết đây là Đan viện Citeaux Mỹ Ca, 

 Mỹ Ca là tên một làng nhỏ nằm trên bán đảo Cam Ranh. Dân cư vào những năm 1930 - 1934 không quá 200 người, tất cả sống bằng nghề chài lưới và đại đa số không có tôn giáo nào rõ rệt, có lẽ phần đông các gia đình đều thuộc đạo ông bà, một số nhỏ xưng mình là phật giáo nhưng không hề biết chùa chiền hay sư sãi gì. Nói chung đây là một thôn làng đánh cá khá nghèo.

 Đan viện Citeaux Mỹ Ca được xây dựng từ năm 1934 đến năm 1938 thì hoàn thành. 

Đây là một dòng kín dành cho các thầy tu, dòng tu Citeaux được các linh mục  Lérins nước Pháp quản lý,

Nguồn gốc tên gọi của dòng tu Citeaux:

Dòng Mỹ Ca thuộc dòng Xitô được viết theo kiểu Việt hóa, tiếng pháp gọi là Monastère cistercien. Tính từ cistercien được rút ra từ từ Citeaux, tên đan viện đầu tiên do ba Đấng Thánh Sáng Lập: Robertô, Albêricô và Stêphanô. Citeaux là địa danh nơi ba vị thánh này cùng với một số đan sĩ Biển Đức từ dòng Molesme đến khai quang. Citeaux hay Cisterne có nghĩa là vùng lau sậy hoang dã. Citeaux thuộc miền đông bắc Pháp. 

 - 

Đan viện (Monastère) là nhà dòng dành riêng cho các đan sĩ chiêm niệm sống. Các tu sĩ ở đây được gọi là ĐAN SĨ (moines), Bề trên thường được gọi là Đan Viện Trưởng, Bề trên thượng cấp được tấn phong được gọi là Đan Viện Phụ (hay viện phụ: Père Abbé). Đan viện có bề trên là Đan Viện Phụ được gọi là Đan Phụ Viện (Abbaye). 

Sénanque là một đan viện Xitô nổi tiếng ở gần Avignon, cùng với hai đan viện Xitô khác cùng thời (thế kỷ XII) cũng ở miền Nam nước Pháp, lập thành bộ ba được mệnh danh là BA CHỊ EM MIỀN PROVENCE. Đó là các đan viện Sénanque, Sylvacane và Thoronet. Cùng chịu chung số phần với tất cả các dòng tu khác trong thời cách mạng Pháp (1789), cả ba đan viện lớn này đều bị cách mạng chiếm, giải tán các đan sĩ và bán các cơ sở dòng cho tư nhân.

Năm 1854, cha Barnouin mua lại được đan viện Sénanque và ngài dời các tu sĩ dòng ngài về đó. Lấy tên Hội Dòng mới là Hội Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, trùng vào năm tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố. Một thời gian sau, viện phụ Barnouin lại mua được đảo Lérins ngoài khơi đối diện với thành phố Cannes, và dời đan viện chính về đấy, nhưng vẫn giữ dòng Sénanque. Lérins là một đảo nhỏ, dài 1 cây số và chiều ngang rộng nhất chỉ đo được 400m. Lérins có một lịch sử đan tu ngay từ thế kỷ 5 khi thánh Honorat cùng một số các bạn đưa đời tu về đảo hoang này. Kể từ đó Lérins cung cấp cho Giáo Hội khá nhiều thánh giám mục và hiển tu, do vậy Lérins ngoài tên gọi đảo thánh Honorat, còn được gọi là Đảo Các Thánh (Iles des Saints).

Năm 1934, Dòng Lérins đã cử 3 linh mục qua lập dòng tại làng đánh cá Mỹ Ca trên bán đảo Cam Ranh. 

a- Từ 1934 đến 1954 

Như trên vừa nói, Năm 1934 đan viện Lérins đã cử 3 linh mục qua Việt Nam lập dòng con tại làng đánh cá Mỹ Ca thuộc bán đảo Cam Ranh. Sau những tháng ngày ngược xuôi tìm đất sống, khởi đầu từ Sapa vùng cực bắc nước Việt, vào Đà Lạt, xuống vùng Phan Rang, Nha Trang. Cuối cùng cha Piquet (người Pháp, là quản lý của giáo phận Qui Nhơn lúc đó, sau này là giám mục của giáo phận Nha Trang) đề nghị 3 vị lập dòng tới xem vùng đất Mỹ Ca. Các ngài đã tới và đã nhận nơi này làm quê hương thứ hai cho mình và đặt nền móng xây dựng một đan viện chiêm niệm theo linh đạo Xitô như dòng mẹ Lérins. 

Vạn sự khởi đầu nan. Gian nan khốn khó lúc đầu là thế chiến thứ hai và từ năm 1945 lại có sự khốn khó khác mà ai cũng biết, do vậy Mỹ Ca đã rất èo ọt suốt 20 năm đầu.

b- Từ 1954 đến 1975

Trong khoảng thời gian 20 năm kế tiếp, Mỹ Ca được sống trong an bình và đan viện đã có những khởi sắc tương đối tốt đẹp về nhiều mặt. Tuy nhiên điều khó khăn cố hữu vẫn luôn đeo đuổi các đan sĩ. Mỹ Ca là nơi thanh vắng rất thích hợp cho đời tu chiêm niệm. Ngoài một số ít dân cư của làng đánh cá, Mỹ Ca hoàn toàn biệt lập. Sự cô tịch thanh vắng coi như là tuyệt đối. Nhưng tu chiêm niệm thì cũng phải có kinh tế để sống. Mỹ Ca là vùng cát, canh nông coi như không có gì, chỉ có một vườn rau nhỏ, một số cây xoài, cây dừa để ăn vặt, chứ không đem lại kinh tế sống. Không có một nghề nghiệp gì sinh lợi, ngoại trừ thỉnh thoảng cho người đi bắt cá dưới sông. Đan viện đã tậu nhiều đất các nơi khác, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn cũng chẳng làm được gì. Đan viện sống trong hoàn cảnh nghèo đúng nghĩa về mọi mặt cho tới biến cố 1975.

c- Từ 1975 đến 1994

Sau biến cố 1975, các đan sĩ bị tán loạn. Một số ít còn lại kiên trì. Nhưng đến tháng 7.1977, nhà nước đã mời các đan sĩ rời bỏ đan viện chính và yêu cầu di tới đồn điền của đan viện (có từ năm 1959) tại thôn Lập Định, Xã Cam Hòa hiện nay. Cái khó khăn của giai đoạn này thì chả cần phải viết ra. Các đan sĩ lớn tuổi chết dần chết mòn. Anh em trẻ tìm hướng sống khác. Năm 1985 chỉ còn 2 linh mục và 2 đan sĩ. Năm 1994, cha bề trên Gioan Báu cũng được gọi về với Chúa. Đất đai từ 349 mẫu của trước 1968, nay chỉ còn 3 mẫu. 3 người 3 mẫu đất thì cũng là quá nhiều, nhưng 3 mẫu đất cho một đan viện thì lại là vấn đề khác. Hai mươi năm cùng khốn! Nhưng Chúa vẫn luôn có đó bên cạnh. Và như thế là đã quá đủ. 

d- Từ 1994 đến hôm nay

Mỹ Ca tại Lập Định này bắt đầu được tái thiết về phương diện nhân sự từ năm 1994. Thời thế cho phép... tu chui, Mỹ Ca đã bắt đầu nhận lại ơn gọi từ đây và cứ thế.

Về cơ sở vật chất, nhà cửa được Dòng mẹ Lérins hỗ trợ nên từ năm 2000 đã bắt đầu xây dựng một đan viện hoàn toàn mới. Tạ ơn Chúa. Và cũng đặc biệt tạ ơn Thánh Giuse đã nâng đỡ phù trì che chở cho công trình được hoàn tất.

Thống kê hiện nay của cộng đoàn đan viện gồm 36 người:

21 đan sĩ có lời khấn trọng (trong số có 7 linh mục)

7 đan sĩ khấn tạm

0 tập sinh 

5 thỉnh sinh và môt số bạn trẻ dang tìm hỉêu (nội tếu)

1 hiến sinh (là một linh mục)       

 ------------------------------

Đan Viện Citeaux có cùng niên đại và kiến trúc giống nhà thờ đá Nha Trang. Tuy nhiên những người biết về lịch sử cũng như hoạt động của Đan Viện này không còn, và Đan Viện Citeaux mãi vẫn là bí ẩn đối với du khách và cả những HDV.

Ngày xưa để đến được Đan Viện phải đi bằng thuyền, sau này mới có cầu Long Hồ ( 17/04/1968) 

Hiện nay thành phố Cam Ranh và sở GTVT Khánh Hòa đã xây dựng lại cầu Long Hồ. Và điều bất ngờ nhất chính là kiến trúc cổ của Đan Viện và khuôn viên xung quanh đã được bán lại cho một công ty đầu tư làm khu  du lịch ( Trước đây thuộc quản lý của quân đội - luôn có quân nhân đứng gác - nhưng nay là vệ sĩ)

Sau khi biết được thông tin đó thì Đan Viện mới ( Lập Định ) đã có đơn kiến nghị đến chính quyền xin giữ lại kiến trúc từng thuộc quyền sỡ hữu của Đan Viện nhưng bị từ chối và chỉ đồng ý trả lại một bức tượng mẹ Maria trước Đan Viện cũ.

Một công trình kiến trúc cổ , đẹp thơ mộng soi mình bên đầm nước Thủy Triều - đẹp ngang tầm với nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang nhưng tương lai sẽ trở thành một tụ điểm ăn chơi cho khách du lịch lắm tiền.

Có lẽ tương lai những công trình kiến trúc cổ sẽ chỉ còn xuất hiện trên những hình ảnh, tư liệu?.?

ST: MTN

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới