GỬI TIỀN BO THẾ NÀO LÀ VĂN HÓA

 
GỬI TIỀN BO THẾ NÀO LÀ VĂN HÓA

Theo một khảo sát mới đây của Master Card trên phạm vi châu Á, 20% người Việt có thói quen để lại tiền bo (tiền tip) sau mỗi bữa ăn ở nhà hàng. Georgette Tan, lãnh đạo của hãng thẻ nói: "Tìm hiểu về cách mọi người để lại tiền bo cho chúng ta cái nhìn độc đáo về văn hóa địa phương". 

Việc cho tiền người phục vụ sau khi sử dụng một dịch vụ nào đó như ở nhà hàng, khách sạn, tiệm cắt tóc… được gọi nôm na là "bo”. Vậy nguồn gốc tiền bo có từ đâu, bản chất của nó là gì…? Liệu người Việt Nam đã thực sự hiểu ý nghĩa và văn hoá của tiền bo?

Đối với việc mua bán, chúng ta thấy rõ, thỏa thuận “thuận mua vừa bán” được trao đổi theo nguyên lý “Hàng - Tiền” đối với người bán và “Tiền - Hàng” đối với người mua thông qua quy luật cung - cầu. Theo quy luật này thì “tiền bo” không nằm trong nguyên lý “Tiền - Hàng” hay “Hàng - Tiền”. 

Trong mua - bán luôn diễn ra hai giá trị là giá cả của hàng và giá trị tiền. Người bán trao cho người mua một món hàng và nhận lại ở người mua một khoản tiền. Nhưng với “tiền bo” thì người có tiền trao cho người nhận tiền mà không nhận lại hàng. Theo chế độ “làm thuê”, nhân viên bán hàng hoặc dịch vụ là người làm công ăn lương, họ không được hưởng lợi gì trực tiếp qua việc bán hàng hoặc làm dịch vụ. Tiền khách hàng trả, nhân viên phải nộp lại cho chủ theo đơn giá, hóa đơn. Rõ ràng, nhân viên không có lợi gì trực tiếp khi bán hàng, tiền công của họ chỉ là cái lợi gián tiếp. Tuy nhiên, người mua cảm động, thông cảm, chia sẻ với người làm công mỗi khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ nên tặng cho một khoản tiền. Bo chính là tiền thể hiện tấm lòng, tình cảm của khách hàng với những nhân viên làm thuê trong bán hàng hoặc dịch vụ sau khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ.

Ở Việt Nam, trong thời kỳ bao cấp, không có việc cho tiền nhân viên sau khi mua hàng, vì thời đấy bao cấp nên không có các hiện tượng “chủ - tớ”. Tất cả mọi người đều lao động, người này làm việc này, người kia làm việc khác, nhân viên bán hàng nhận lương từ nhà nước và người mua hàng cũng nhận lương từ nhà nước. Ở miền Nam sau ngày giải phóng, việc cho tiền nhân viên sau khi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ vẫn tồn tại, bởi quan hệ “chủ - tớ” vẫn còn phổ biến trong các hoạt động mua bán và dịch vụ.

Khi kinh tế thị trường ra đời, các thành phần kinh tế mở rộng, lúc đó nhân viên bán hàng hoặc dịch vụ chủ yếu làm việc cho giới chủ. Từ đó, hiện tượng tiền bo xuất hiện rộng rãi ra cả nước.Ở miền Nam tip vẫn nhiều hơn miền Bắc vì lịch sử tiền bo trong chế độ trước có cơ hội phát triển cùng với Việt kiều từ Mỹ về nước mang theo “Văn hóa tiền bo” từ các nước Tây Âu.

Tiền bo là vấn đề có thể trở thành văn hóa hoặc phi văn hóa. Nếu cho tiền bằng tấm lòng chân thực và thông cảm với tiền lương của nhân viên thấp mà công việc lại nặng nhọc thì tiền bo được xem là có văn hóa. Nhưng có người khi mua hàng lợi dụng người bán về tình cảm, thể xác… bằng tiền bo thì hành vi này sẽ bị xem là phi văn hóa.

Thực tế, có những người cậy mình có tiền nên đã có những hành vi cho tiền không đẹpnhư “nhét tiền vào chỗ kín”, “ném tiền vào mặt”, “quăng tiền bay tung tóe”… Những hành vi như vậy chẳng khác nào dùng đồng tiền để phỉ báng con người, nhất là những người lao động trực tiếp đã đem đến hàng hóa hoặc dịch vụ phục vụ họ.

Tiền bo thể hiện tình cảm, tình người giữa người mua (có tiền) người bán (làm thuê, không có tiền) trong đời sống kinh tế thị trường. Tuy nhiên cho tiền thế nào để có văn hóa là những vấn đề đặt ra. Trước hết, không được xem việc “bo” là sự thể hiện “ông chủ mua hàng”, “ta hơn người bán”… Phải thấy tip là nghĩa cử đẹp vì tình người giữa người mua và người bán, mà người bán không phải là chủ (tức không bo tiền cho người chủ bán hàng, chỉ bo cho nhân viên làm thuê). Thứ hai, việc bo tiền là trả công cho người bán bởi vì họ có thái độ tận tình hơn cả giá trị hàng hóa mà ta mua. Hiểu đúng giá trị của việc tip tiền mới thực sự có được “văn hóa tiền bo”.

GS.TS Vũ Gia Hiền
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới