LĂNG THOẠI NGỌC HẦU - AN GIANG - KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH

 

Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình đồ sộ nhất ở núi Sam. Khu lăng mộ có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng 2 phu nhân được xây dựng thập niên 30 thế kỷ 20.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), Ông sinh ngày 25-11-1761; mất ngày 6-6-1829; người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông theo Nguyễn Ánh từ năm 1777.

Năm 1784, ông theo cha đi sang Vọng Các (Băngkok). Lúc trở về, ông vào quân ngũ, trải qua nhiều chức vụ và công cán khắp từ Bà Rịa đến Xiêm, Lào, Cao Miên.

Năm 1817, ông được làm trấn thủ Vĩnh Thanh.

Năm 1818, ông quản suất binh lính đào kinh Đông Xuyên. Sau một tháng đã hoàn thành, được vua ban tên là kinh Thoại Hà (ngang 20 tầm: 1tầm=2,56m, gần 51m; bề dài tới Giang Thành-Rạch Giá 12.400 tầm), bên bờ Thoại Hà có ngọn Lạp Sơn (núi Sập) cũng được đặt tên là Thoại Sơn để ghi công lao của ông.

Năm 1822, ông cho dựng bia Thoại Sơn ghi lại sự kiện này ở núi Sập và dựng miếu nhỏ thờ Sơn Thần.

Năm 1819, ông được lênh chỉ huy dân binh đào kinh Vĩnh Tế. Nhưng năm sau, Tăng Kế ở Chân Lạp làm loạn, đánh thành Nam Vang. Ông và Nguyễn Văn Trí tiến binh đến Kha Bôn thì gặp giặc, đánh thắng được quân dịch, và chém được Tăng Kế, từ đó Chân Lạp mới yên.

Năm 1821, ông lại lãnh ấn bảo hộ Cao Miên, kiêm quản việc quân ở Hà Tiên và Châu Đốc tới năm 1823 ông lại cùng Thống chế Trần Công Lại coi việc đào kinh Vĩnh Tế (dài 97 km, rộng khoảng 50m), đến năm 1824 thì hoàn tất. Sau khi hòan tất việc đào kênh, Thoại Ngọc Hầu cho vẽ bản đồ trình triều đình Huế, được vua khen ngợi; Vua xét thấy phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế vốn là người có đức độ, tận lực giúp chồng trong công việc nên ban lệnh đặt tên cho kinh này là “Vĩnh Tế Hà” và cải đổi tên núi Sam ở bờ kênh là “Vĩnh Tế Sơn”. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho xây dựng bia làm kỷ niệm: bia Thoại Sơn, Vĩnh Tế Sơn. Đồng thời trước ngày dựng bia, Thoại Ngọc Hầu cho nhiều ton người đi dọc hai bờ kênh, từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả hữu khuôn lăng.

Ngày làm lễ dựng bia ông tiến hành làm lễ cải táng tập thể các binh dân tử nạn trong việc đào kinh vào trong khu vực lăng. Ông đích thân đọc bài “Tế Nghĩa Trũng Văn” để nhớ công lao của những người đã khuất.

Sau khi đào xong hai năm, bà Châu Thị Tế qua đời, an táng ở triền núi Sam và từ đó Thoại Ngọc Hầu tiến hành xây khu lăng mộ dự định làm chốn yên nghỉ của mình và các phu nhân. Tháng 9 năm Minh Mạng thứ 9 (năm 1828) bia Vĩnh Tế Sơn 730 chữ, được dựng ở trong lòng lăng mộ.

Năm Minh Mạng thứ 10 (năm 1829), ngày 6 tháng 6 âm lịch. Ông mất, Vua tặng chức Đô thống và được an táng ở khu lăng mộ này.

Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình kiến trúc quy mô nằm trên triền núi Sam, cao trên 9 bậc cấp đá ong. Chu vi lăng hình chữ nhật được bao bọc bởi một bức tường dày 1m. Mặt trước là hai cổng vào ở hai bên, chính giữa là tấm bia Thoại Sơn (được phiên bản hồi đầu thế kỷ XX).


Khi bước vào khuôn viên lăng, bên phải là 3 ngôi mộ lớn (chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu, bên phải là mộ bà Châu Thị Tế (mất 1826), trái là mộ bà Trương Thị Miệt (mất 1821), bên trái có 14 ngôi mộ được chôn trong một vuông đất. Tương truyền đây là những ngôi mộ của các đào kép trong phường hát bội Quảng Nam thường diễn cho Thoại Ngọc Hầu xem lúc còn sống, riêng có hai ngôi mộ trên cùng thì được tương truyền là của hai người bị chôn sống để đi theo hầu ông. Trong Long Đình là bản sao bia “Thoại Sơn”. Bia “Vĩnh Tế Sơn”. Trước Long đình là 2 con nai tạc bằng xi măng. Hai cửa lớn vào lăng rộng hình bán nguyệt, kiến trúc theo lối cổ, liền với bức tường kiên cố dày 1 mét, cao 3 mét. Sau lăng là đền thờ trên nền đất cao. Sau lưng đền thờ là vách núi tạo thành bức bình phong kiên cố và hùng vĩ tôn thêm vẻ cổ kính uy nghi. Bên trong lăng là di tượng Thoại Ngọc Hầu cao khoảng 2 m cùng những án văn chương lộng lẫy và liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế…gợi lại hình ảnh của nước non một thời oanh liệt.

Lăng Thoại Ngọc Hầu được hoàn thành vào cuối những năm 20 của thế kỷ 19.

Nói chung, khu lăng mộ này là một công trình kiến trúc cổ kính, đặc biệt là 2 bài

văn bia có ý nghĩa hết sức lớn lao và đặc biệt quý hiếm đối với vùng đất mới phương Nam.

Hằng năm, ngày 6/6 ÂL nhân dân quanh vùng đến lăng làm lễ tưởng niệm ông.
Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới