PHẬT THẦY TÂY AN - ĐOÀN MINH HUYỀN - AN GIANG - KIẾN THỨC THUYẾT MINH DU LỊCH

 

Phật Thầy Tây An (1807 – 1856)

Tên thật của ông là Đoàn Minh Huyền, có người lại cho là Đoàn Văn Huyên. Ông sinh vào ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, thuôc Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc.

Tục truyền, bình sanh ông cũng như bao người dân khác, chuyên cần cày cấy, sống bằng nghề ruộng rẫy. Nhưng đến năm 43 tuổi, ông không màng đến chuyện làm ăn nữa và hết ngày này sang ngày nọ nói toàn những chuyện hư hư thật thật, lúc phàm lúc thánh. Do vậy mà người đời cho ông đã hóa rồ, là người khật khùng.

Không biết vì dân làng khinh bạc hay vì lý do nào khác, năm 1849, ông chèo chiếc xuồng con ngược theo dòng rạch Cái Tàu Thượng trở ra rạch Xẻo Môn đến làng Kiến Thạnh (tức làng Long Kiến, thuộc tỉnh Long Xuyên). Bấy giờ, ở đây bệnh thời khí hoành hành rất dữ. Số người mắc bệnh chết rất nhiều. Các lương y, rồi các vị pháp sư nổi tiếng cao cường thời ấy đều bó tay trước cơn dịch bệnh khủng khiếp chưa từng có này. Làng trên xóm dưới kẻ bệnh người chết nhiều không kể xiết…

Trong cảnh dịch bệnh và tang tóc ấy, bỗng vào một buổi sáng tại đình làng Kiến Thạnh, ông Từ khi thắp nhang ở bàn thờ thần Thành Hoàng thấy một người ngồi sừng sững trên đó. Hốt hoảng, ông Từ vụt bỏ chạy và toan la làng thì người đó khoát tay và gọi ông ta trở lại. Ông Từ định tâm hỏi:

- Ông là ai mà lại cả gan ngồi trên bàn thờ thần?

Người ấy đáp:

- Phật thầy giáng thế cứu đời là ta!

Ông Từ càng ngạc nhiên hơn và hoàn toàn không tin những gì mà người đàn ông lạ mặt ấy phán bảo. Ông Từ lại hỏi:

- Ông tự xưng là Phật Thầy giáng thế cứu đời thế thì dân chúng đang bị ôn dịch làm hại, ông có phương chi cứu họ?

- Sao lại không! Đâu, ai đã mắc bệnh ôn dịch thì hãy đem lại đây, ta cứu cho!

Tin này lan truyền khắp xóm. Kẻ kẻ đều hồ nghi. Lúc đó, người con trai của ông Hương cả bị bệnh thổ tả trầm trọng không còn cách nào chạy chữa nên người ta đã thử đem bệnh nhân đến nhờ vị Phật thầy ấy cứu chữa. Tục truyền, bệnh nhân sau khi uống “thuốc” của Phật thầy thì công hiệu ngay. Thế là khắp làng trên, xóm dưới, các gia đình có người mắc bệnh ùn ùn đưa người bệnh đến nhờ xin đức Phật thầy cho “thuốc”.

Khi có người đến xin thuốc thì Phật thầy hỏi rõ tên họ rồi mới cho. Hễ ai mà thầy bảo bệnh có thể chữa trị thì mới phát thuốc, còn ngược lại, những bệnh nhân nào mà thầy cho là đã tới số thì chạy chữa thế nào cũng không thoát khỏi.

Phật thầy ở nơi đình ba ngày thì dời đến cái cốc của ông Kiến, nơi mà sau này dựng nên chùa Tây An cổ tự, để tiếp tục trị bệnh, vừa truyền đạo. Số người đến xin trị bệnh càng ngày càng đông và trong số đó, nhiều người đã trở thành tín đồ của đạo gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương. Cái cốc cũng được chỉnh đốn thành ngôi chùa và những nghi thức lễ bái, thờ phượng của đạo này cũng dần dần hình thành qui củ.

Càng ngày, số lượng người sùng tín càng đông. Điều này không những khiến các pháp sư, các thầy bùa ganh ghét mà chức việc địa phương cũng phải để tâm đến. Mặt khác, vào khoảng năm 1841, ở Trà Vinh có nhóm người hợp với sư sãi nổi dậy chống lại quan quân nhà Nguyễn nên sự kiện Phật thầy Tây An trở thành vấn đề quan trọng mà các quan chức địa phương không thể bỏ qua được. Khi được tin báo có “gian đạo sĩ” phát trù bệnh, quan tỉnh An Giang sai đội nhì Bồng và Cai Nhứt Trung xuống tận làng Kiến Thạnh để bắt Đoàn Minh Huyền áp giải về tỉnh.

Tục truyền, khi giải về tỉnh đường, quan tỉnh vồn vã chỉ bộ ván có trải chiếu bông mời mọc:

- Mời chú đạo ngồi.

Ông đáp:

- Mời quan lớn ngồi trước. Tôi là chú đạo đâu dám vô lễ.

- Không sao đâu! Tôi cho phép chú cứ ngồi.

- Bẩm quan lớn! tôi nói không dám vô lễ là vô lễ với Phật vì tôi là chú đạo đâu dám ngồi trong lúc Phật nằm.

- Chú nói mới lạ chứ…

Đức phật thầy bước lại giở chiếu lên: lộ ra bức tượng Quan Âm mà quan tỉnh đã đặt bên dưới để lập mưu thử ông đạo này.

Một hôm nhân ngày rằm, những người coi khám đường dọn cho ông một mâm cơm vừa chay vừa mặn, đơm sẵn thành tám chén. Họ đặt mâm cơm xuống và hỏi:

- Hôm nay ông đang ăn chay hay ăn mặn?
- Tôi ăn chay.
- Vậy mời ông đạo dùng cơm.

Đáp lời mời, ông ngồi xuống lần lượt ăn hết ba chén cơm liền một mạch, rồi lại bưng chén cơm thứ tư ăn tiếp và nói:

- Các quan cho tôi ăn cơm chay thì tôi phải ráng ăn cho hết.

Các viên chức ở khám đường có mặt trong vụ này đều kinh ngạc vì đúng bốn chén cơm mà ông đã ăn là cơm chay, còn bốn chén cơm còn lại đều có để mở heo dưới đáy.

An xong chén cơm thứ tư, ông nói:

- Các vị tính lừa tôi ăn mặn rồi thì trói đầu tôi chắc?

- Ồ! chúng tôi đâu có ý vậy….

- Thật không? Thế thì các vị chuẩn bị sẵn dây trói để làm gì?

Nói dứt lời, ông thò tay giở nắp cái quả: trong đó có sợi dây trói để sẵn. Các viên chức ở khám đường càng kinh ngạc hơn. Tục truyền, từ đó, họ tỏ ra kính phục Đức Phật Thầy. Quan chủ tỉnh An Giang, làm tờ tâu vụ “gian đạo sĩ” này về triều với những lời tấu trình dè đặt hơn. Sau đó, theo chiếu chỉ của vua, Đoàn Minh Huyền phải xuống tóc và thọ giới như các nhà sư với sự chứng minh của vị hòa thượng sắc tứ. Khi cạo tóc xong, người ta toan cạo hết hàm râu thì ông cản lại:

- Chiếu chỉ của triều đình dạy xuống tóc chứ đâu có dạy cạo râu mà các vị lại cạo.

Các viên quan thi hành chiếu chỉ của triều đình đành phải chịu để lại hàm râu. Có lẽ đây là nhà sư để râu duy nhất trong lịch sử Phật Giáo! Sau đó, Đoàn Minh Huyền vào núi Sam lập một ngôi chùa bằng cây lá để tiếp tục truyền đạo. Công việc hoằng hóa giờ đây lại chú tâm đến việc an cư lạc nghiệp cho bổn đạo: ông đứng ra tổ chức việc khẩn hoang ở núi Thới Sơn và vùng Láng Linh để lắp hai trại ruộng. Ông muốn tín đồ phải dùng sức cần lao để sinh sống, nuôi gia đình mà không dựa vào sự cúng dường của bá tánh.

Tục truyền, Đoàn Minh Huyên ít ở chánh tức chùa Tây An ở núi Sam, mà thường lui tới thăm nom và động viên tín đồ hăng hái khẩn hoang và chí thú làm ăn.


Về việc Đoàn Minh Huyên ít ở Tây An tự có giả thiết cho rằng ngôi chùa ấy, tuy là do ông lập ra, nhưng công việc quản lý và thực hành nghi lễ đều theo Phật giáo Phái Lâm Tế do các tăng sĩ của chùa Giác Lâm (Chợ Lớn) cử về đảm nhận. Ông lập các trại ruộng để truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, một hệ phái có tôn chỉ và nghi thức thờ phụng đơn giản, không nặng nề “thinh âm sắc tướng”, chuông mõ như Phật giáo Phái Lâm Tế – một tông phái đang thống quản xứ Nam Kỳ. Tuy nhiên cũng có giai thoại kể rằng chính Đoàn Minh Huyên đã đích thân cày ruộng. Tục truyền, ở trại ruộng Thới Sơn, ông có nuôi hai con trâu, đặt tên là Sấm và Sét. Hai con trâu này chỉ chịu sự điều khiển của ông… Ngoài ông ra không ai có thể mắc chúng vào ách để cày được. Chính ở đây, Đoàn Minh Huyên đã qui tụ khá đông tín đồ, đặc biệt hàng đệ tử lớn có anh em ông Đình Tây, ông Đạo Xuyến, ông Đạo Lập ở Thới Sơn, Đức cố quản Trần Văn Thành ở Láng Linh. Về sau khi thực dân Pháp chiếm An Giang các trại ruộng là căn cứ kháng chiến quan trọng và các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương là lực lượng nòng cốt của các phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Năm 1856, ông qua đời. Trước khi tịch, ông dặn dò đệ tử sau khi an táng không được đắp nấm mà phải phả bằng để lấy đất cày cấy trồng trọt. Các đệ tử làm theo lời ông dặn, tuy nhiên họ xây rào bao quanh giữ lấy di tích của vị tổ khai đạo để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Theo niềm tin tôn giáo, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương cho rằng Đức Phật Thầy, sau khi tịch, vẫn “chuyển kiếp nhập thân vào những phàm nhân để tiếp tục hoằng hóa đạo pháp và cứu thế độ đời. Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Sư Vãi bán khoai là những trường hợp giáng thế như vậy. Trong thực tế, đây là những môn đồ kế tục việc xiển dương và truyền bá giáo thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương theo phương thức và nội dung có sửa đổi ít nhiều để phù hợp với thực tế của mỗi giai đoạn lịch sử. Đặt biệt trong những thập niên mới thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các môn đệ này đã ít nhiều gắn với công cuộc kháng Pháp lúc công khai lúc dưới các tổ chức Hội kín. Chính vì vậy, Đức Phật Trùm đã bị thực dân Pháp bắt đày ra hải đảo, Đức Bổn Sư Ngô Lợi bị giặc ruồng bố và truy nã liên tục và ông sư vãi bán khoai phải giả dạng làm phụ nữ bán khoai để làm việc đời việc đạo.

Bài viết liên quan:

Đánh giá của Bạn về bài viết này?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

đăng ký nhận tin mới